CÂN BẰNG HỌC VÀ LÀM: MỘT BÀI TOÁN KHÓ CỦA SINH VIÊN
- Sinh Viên Nhịp Sống
- 20 thg 1
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 26 thg 2
Trong thời đại hiện nay, việc sinh viên vừa đi học vừa đi làm đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh những lợi ích của việc làm thêm mang lại, nó vẫn còn tồn tại vô vàn thách thức nếu không biết sắp xếp hay quản lý. Đồng thời, việc cân bằng chúng lại càng khó hơn trong việc điều phối tốt cả hai hoạt động trên để có thể đạt hiệu quả tối đa. Vậy hãy cùng đi sâu vào hành trình này để khám phá những góc khuất, những thách thức và cả những tia hy vọng của các bạn trẻ trên con đường trưởng thành.
Hiện tượng không còn mới nhưng đáng báo động.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Thanh niên năm 2024, hơn 70% sinh viên ở các thành phố lớn đang làm thêm song song với học tập. Trong số đó, gần 40% cho biết việc làm thêm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của họ Lý do phổ biến nhất đến từ áp lực tài chính. Áp lực đến từ việc học đã không nhỏ, nhưng áp lực tài chính buộc nhiều sinh viên phải chọn cách làm thêm. Ngoài lý do kinh tế, nhiều sinh viên còn coi làm thêm là cơ hội để rèn luyện kỹ năng mềm. Từ năm nhất hoặc năm hai, nhiều sinh viên đã bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm để trang trải cuộc sống, đặc biệt là ở các ngành học có lịch trình không quá dày đặc. Tuy nhiên đỉnh điểm của áp lực học tập thường rơi vào các kỳ thi hoặc thời điểm công việc gia tăng. Những giai đoạn này khiến sinh viên phải chật vật cân đối giữa việc học và làm, dẫn đến tình trạng kiệt sức.
Một trường hợp tiêu biểu là bạn Nguyễn Thị Hải Yến sinh viên năm 2 nghành Truyền thông đa phương tiện chia sẻ: “Mình hiện đang làm thêm tại một quán cà phê với mức lương 25.000 đồng/giờ, trong khi phải đóng học phí 13 trệu đồng/kỳ và chi trả gần 4 triệu đồng/tháng cho sinh hoạt phí. Hương chia sẻ: “Nếu không làm thêm, em không biết làm sao để trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng đôi khi, việc phải đứng làm cả buổi tối khiến em kiệt sức và không thể tập trung học tập vào ngày hôm sau.”
Vì sao sinh viên phải vừa học vừa làm?
Trong những năm gần đây, chi phí học tập và sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không ngừng gia tăng. Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2024, mức chi phí sinh hoạt trung bình của sinh viên ở các thành phố lớn dao động từ 4-6 triệu đồng/tháng, trong khi học phí các trường đại học công lập cũng tăng từ 10-20% trong vòng 5 năm qua. Điều này khiến sinh viên phải tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung. Không ít sinh viên đến từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Thay vì chỉ lo cho bản thân, nhiều bạn trẻ còn phải làm thêm để gửi tiền về nhà phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và các nền tảng việc làm trực tuyến như Shopee, Grab, Be, Xanh SM, Tiktok, Freelancer đã tạo ra nhiều việc làm phù hợp với sinh viên. Những công việc này không yêu cầu bằng cấp cao, thời gian linh hoạt và có thể làm ngoài giờ học.
Các nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên vừa học vừa làm không chỉ đến từ nhu cầu cá nhân mà còn chịu tác động từ yếu tố kinh tế, xã hội hay thị trường lao động bán thời gian. Tất cả đã tạo nên một vòng xoáy khiến nhiều sinh viên buộc phải “bơi” giữa học tập và công việc.
Việc hiểu rõ nguyên nhân sâu xa không chỉ giúp chúng ta thông cảm hơn với sinh viên, mà còn mở ra hướng đi để hỗ trợ họ cân bằng và phát triển bền vững.
Hệ luỵ của những áp lực trên
Lịch trình học tập và làm việc dày đặc khiến nhiều sinh viên rơi vào tình trạng thiếu ngủ. Theo khảo sát của Đại học Y Dược TP.HCM năm 2024, 65% sinh viên vừa học vừa làm ngủ ít hơn 5 tiếng/ngày, gây ra tình trạng mệt mỏi, kiệt sức. Chế độ ăn uống không đảm bảo, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian, kết hợp với căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý mãn tính như đau dạ dày, suy nhược cơ thể và thậm chí là rối loạn hormone ở nữ sinh viên. Đồng thời, áp lực kéo dài mà không được giải tỏa có thể dẫn đến trầm cảm. Những dấu hiệu như mất ngủ, mệt mỏi tinh thần, cảm giác bất lực, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực là điều không hiếm gặp ở sinh viên vừa học vừa làm. Chia sẻ từ chuyên gia Tiến sĩ Trần Thu Hương - chuyên gia tâm lý học tại TP.HCM, nhận định:
“Khi sinh viên phải đối mặt với áp lực kép từ học tập và công việc, nếu không có kỹ năng quản lý thời gian hoặc sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình, bạn bè, rất dễ dẫn đến khủng hoảng tâm lý.” Do phải dành nhiều thời gian cho công việc làm thêm, sinh viên thường không có đủ thời gian để chuẩn bị bài vở hoặc tham gia các hoạt động học thuật. Hệ quả là điểm số giảm sút, thậm chí không đạt yêu cầu để vượt qua kỳ thi. Việc học tập qua loa hoặc chỉ học để “đối phó” khiến kiến thức nền tảng bị hổng, ảnh hưởng đến năng lực chuyên môn sau khi ra trường. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những ngành đòi hỏi kiến thức chuyên sâu như Y khoa, Kỹ thuật. Nhiều sinh viên quá tập trung vào việc kiếm tiền mà quên rằng mục tiêu chính của họ khi đến trường đại học là học tập. Một số bạn trẻ thậm chí chọn bỏ học giữa chừng để làm việc toàn thời gian, dẫn đến việc mất cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài.
Tìm kiếm sự cân bằng: Lối thoát nào cho hành trình này?
Trong thực tế, có không ít các bạn sinh viên vừa đi học, vừa đi làm nhưng cả hai đều đạt được những khía cạnh vô cùng tuyệt vời. Bên cạnh đó, cũng có những bạn sinh viên chỉ tập trung vào việc đi học thôi nhưng kết quả đạt được lại không trọn vẹn. Các bạn có thể tìm kiếm các công việc chuyên ngành, hay công việc phổ biến đối với sinh viên như: phục vụ, pha chế,… những công việc có thời gian linh động sẽ phù hợp với sinh viên vì các bạn có thể lựa chọn lịch làm phù hợp với lịch học và sinh hoạt của mình.
Hải Yến chia sẻ cách bạn cân bằng việc học và việc làm (Nguồn: Nhịp Sống Sinh Viên)
Bạn Yến sinh viên năm 2 Truyền thông đa phương tiên chia sẻ: " Tôi thấy tôi may mắn khi làm việc ở môi trường thoải mái, mọi người tốt tính còn anh chủ dễ chịu. Một tuần bọn tôi phải làm tối thiểu 5 buổi nhưng có những tuần nhiều bài tập quá, ví dụ như đợt Tết này thì mình sẽ xin anh chủ làm 3-4 buổi/ tuần. Cũng có những hôm tôi đi làm về muộn nhưng vẫn thức đến rạng sáng để làm bài và sáng 7h đi học là bình thường."
Việc sắp xếp các công việc, hoạt động trong tuần hiệu quả sẽ giúp bạn không rơi vào trạng thái ngột ngạt vì tồn đọng quá nhiều việc phải làm. Các bạn cần chủ động với những công việc có thể chuẩn bị trước, sẽ hạn chế được tình trạng cạn kiệt “chất xám” lẫn tinh thần. Quản lý thời gian tốt là một kỹ năng cần thiết, hãy sắp xếp timeline hợp lý để thực hiện cũng như nghỉ ngơi. Cuối cùng, sẽ không ai có thể hoàn thành tốt mục tiêu, công việc của mình nếu như không có sức khỏe và tinh thần tích cực. Hãy dành thời gian để chăm sóc cho bản thân mình. Tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bồi bổ sức khỏe của mình và dành thời gian để quan tâm đến gia đình, bạn bè là những cách để bạn có thể lên “dây cót” cho mình. Vì cuối cùng sức khỏe là điều quan trọng nhất, khi bạn có được sự cân bằng giữa học, làm và thư giãn thì mới có thể hoàn thành tốt mọi việc.
Hành trình vừa học vừa làm là một thử thách đầy cam go, nhưng cũng là cơ hội để các bạn trẻ tôi luyện bản lĩnh và trưởng thành cho hành trang nghề nghiệp tương lai. Theo như lời một chuyên gia xã hội học đã nói: “Điều chúng ta cần làm không phải là ngăn cản sinh viên vừa học vừa làm, mà là giúp họ tìm ra cách làm việc hiệu quả và phù hợp nhất với cuộc sống của mình.”
Comments